Trang chủ > Tin tức sự kiện > CHỈ THỊ 05

KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm làm trong sạch bộ máy Đảng, luôn được Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, nguyên nhân chủ yếu của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa của Đảng và chế độ ta”. Vì vậy, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan điểm đó xuất phát từ vị thế, uy tín của Đảng; từ yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng; Đảng phải không ngừng trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin, sự kiên định của dân tộc và nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải là “sự đấu đá giữa các phe cánh”, làm cho “nội bộ mất đoàn kết”, mà đó là việc làm cần thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng; thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội... Với lẽ đó, Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như “ngọn đuốc soi đường” cho toàn Đảng, toàn dân kiên quyết, kiên trì quét sạch tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

1. Từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Tổng Bí thư trong Cuốn sách

Tìm về lịch sử ở nước Nga - Xô Viết vào năm 1921, tình hình kinh tế - xã hội lúc này vô cùng khủng hoảng, rối ren, quần chúng nhân dân chán nản, tuyệt vọng. Nhận thức rõ điều đó, V.I.Lênin chỉ ra: Thanh đảng là việc làm cấp thiết, “liều thuốc đặc trị” để Đảng (Bônsêvích) hồi sinh trong tình trạng thoi thóp. Người thẳng thắn: “những người cộng sản có chức quyền đã tha hoá, bệnh kiêu căng cộng với sự thiếu kiến thức, bệnh tham nhũng và ăn hối lộ đã làm cho họ biến thành những ông quan liêu “nửa quê mùa, nửa quý tộc”, thích nói về chính trị mà không tổ chức những công việc thực tiễn”. Nói cách khác, những người cộng sản từng gan dạ, anh dũng, kiên cường trong chiến tranh nay xuống cấp về đạo đức, yếu kém về năng lực, trình độ; nguy hiểm hơn, xuất hiện những kẻ cơ hội xét lại trong Đảng; bộ máy quan liêu, xa dân, tham nhũng... là nguyên nhân trực tiếp đang hủy hoại Đảng. Theo V.I.Lênin, Đảng Cộng sản (b) Nga có 3 kẻ thù “nội xâm” đang phá hoại là: Nạn hối lộ, tính kiêu ngạo và nạn thất học.

Kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đảng cộng sản; lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc ngăn chặn, đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta thực sự xứng đáng với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả và vĩ đại “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Bệnh tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên được Người diễn đạt bằng thuật ngữ chung là “tham ô”, bản chất của tham ô là “lấy của công làm của tư”, là gian lận, hủ hóa, tham lam, hay “tham ô là trộm cướp”. Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Người chỉ ra “những lầm lỗi rất nặng nề” của cán bộ, đảng viên phải sửa chữa đó là: Trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Trong đó, Người cảnh báo nghiêm khắc, lên án việc “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, Cuốn sách ra đời với mục đích hệ thống hóa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư -Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nêu bật kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, khái quát thành một số vấn đề có tính lý luận và thực tiễn về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Toàn bộ giá trị lý luận và thực tiễn của Cuốn sách chính là vũ khí sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Đồng thời, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lan tỏa quyết tâm to lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với nhiệm vụ trọng yếu này.

Với phương châm “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” và “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, bằng ngôn từ dung dị mà thâm thúy, dân dã mà sâu sắc, Tổng Bí thư kiên quyết yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến cơ sở … phải muôn người một ý chí, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cả hệ thống chính trị phải “thông suốt trong nhận thức, mạnh mẽ trong hành động”, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tính kiên quyết của phương châm “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” và “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” không chỉ có giá trị dẫn dắt soi đường, chỉ đạo mà còn là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân tích cực ủng hộ, hăng hái tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tính kiên trì của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện ở chỗ: cuộc đấu tranh chống “nội xâm” này vô cùng khó khăn, phức tạp và có nhiều điểm khác về chất so với đấu tranh chống ngoại xâm chứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bởi lẽ, đối tượng đấu tranh không là lực lượng hiện hữu, mà là những “ung nhọt” ẩn mình, tồn tại trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Đó là những mặt yếu, những cái xấu xa, bỉ ổi; những hành vi sai trái, vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước của cán bộ, đảng viên; là những quyết sách chủ quan, vi phạm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; là những giọng điệu xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Tuy không “khói súng”, song đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn mang tính đối kháng “một mất - một còn”; giữa một bên là kỷ luật của Đảng, pháp luật nghiêm minh của Nhà nước với một bên là những “ung nhọt”, sâu mọt tha hóa, biến chất sẵn sàng chà đạp tất cả. Theo đó, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có tính kiên trì: “Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo khắc phục tình trạng sợ sai, không dám làm, làm việc cầm chừng, phòng thủ trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.

Thật vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là việc làm khẳng định sức mạnh kỷ luật của Đảng, mà còn mang tính toàn diện, sâu sắc, triệt để “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ. Bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào nếu lòng dạ không trong sáng; nói và làm trái với quan điểm, chủ trương, đường lối, vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải xử lý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một cách dứt khoát: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một mặt cảnh báo, răn đe nghiêm khắc mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, không tham lam, không hám danh lợi, bổng lộc, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; mặt khác, động viên, khích lệ nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Rõ ràng, chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian qua; không những tạo dấu ấn nổi bật, mà còn củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, với mục đích cao cả: “vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

2. Những luận điệu xuyên tạc trắng trợn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta

 Với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Internet, mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức phản động đã “mượn gió bẻ măng”, “đục nước béo cò”. Chúng lợi dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc trắng trợn, bóp méo sự thật. Các thế lực phản động cho rằng “cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là thanh trừng nội bộ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích”; vu cáo Đảng, Nhà nước ta đang “ở thế lưỡng nan đối nghịch” với suy nghĩ chủ quan “chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị”. Hay chúng lợi dụng một bộ phận cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất được phát hiện trong thời gian gần đây, liên quan đến vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, vụ kit test Việt Á, những chuyến bay giải cứu ở Bộ Ngoại giao... các thế lực phản động đã biến hiện tượng thành bản chất, quy chụp cái đặc thù thành cái phổ biến rằng “toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước Việt Nam đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất”. Chúng trắng trợn rêu rao “đó là bản chất, căn bệnh nan y, kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền”.

Nhiều tổ chức phản động như “Hội Anh em dân chủ”, Việt Tân; một số hãng truyền thông nước ngoài RFA, VOA, RFI, BBC (Có các chương trình phát sóng bằng tiếng Việt), Chân Trời Mới Media... đã tán phát nhiều bài viết xuyên tạc, cắt ghép nhiều hình ảnh giả mạo nhằm công kích, đả phá kịch liệt chủ trương của Đảng khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng “phủ nhận sạch trơn” những kết quả về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta; bịa đặt rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã “phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều thất bại, không thành công”, tệ nạn ngày càng tăng. Từ đó, số này đưa ra quan điểm, “để chống tham nhũng, tiêu cực thì Việt Nam cần thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, kiểm soát quyền lực. Chúng kêu gọi “Việt Nam phải thay đổi thể chế mới có thể chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất”.

Cá biệt, ngày 24/6/2022 trên trang RFA (Đài Á châu tự do) đã đăng bài viết với cái gọi là “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế”. Bài viết đổi trắng thay đen, trắng trợn đưa ra luận điệu: “Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”. Tiếp nữa, Đài VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ) rêu rao: “Vì sao “lò” chống tham nhũng đang cháy mà hàng loạt cán bộ cao cấp vẫn không sợ?”; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam thực chất là việc “các phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam tranh chức, tranh quyền, triệt hạ nhau dưới vở kịch chống tham nhũng”. Chúng hồ đồ quy chụp rằng, “trên thế giới này, không có quốc gia nào mà người dân lại phải còng lưng đóng thuế để nuôi nhiều cơ quan chống tham nhũng đến vậy”... Hoặc “Ở Việt Nam hơn 10 năm qua, càng chống tham nhũng thì càng tham nhũng, vụ tham ô sau lớn hơn vụ tham ô trước”...  Trắng trợn hơn, có đối tượng còn đưa ra luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ rằng, “chính quyền Việt Nam đẻ ra tham nhũng rồi còn thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chỉ khổ người dân”; không cần thiết và tốn tiền, tốn của nuôi bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, chúng hô hào, kêu gọi: “Muốn chống tham nhũng thì phải “đa nguyên, đa đảng”, phải thay đổi chế độ, phải thực hiện cái gọi là “xã hội dân sự” cho người dân”...

Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch ra sức phủ nhận nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ khi ra mắt Cuốn sách, các trang chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam không từ thủ đoạn gian manh, xảo quyệt nào. Nực cười và khôi hài nhất là trên trang Chân Trời Mới Media xuất hiện bài viết “Chống tham nhũng bằng “sách” là sự thất bại của luật pháp?”. Chúng tìm đủ mọi lý lẽ để xuyên tạc Cuốn sách, rằng “Ông Trọng ra sách là “mị dân”, là “quảng bá bản thân”. Thâm độc hơn, chúng phủ nhận giá trị của Cuốn sách với lời lẽ thô thiển, ngu ngốc, chống tham nhũng phải “chống bằng biện pháp mạnh tay, chứ chống bằng “sách” là sự thất bại của luật pháp Việt Nam”. Bài viết trên tung ra một luận điệu núp bóng nặc danh của một “cựu biên tập viên từng làm việc ở nhà xuất bản Công an nhân dân” rằng, “khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu sửa đổi luật pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chuyện giờ đây Đảng lại yêu cầu toàn Đảng, toàn dân phải đọc sách viết về quan điểm phòng, chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để biết cách phòng, chống tham nhũng”... 

3. Bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta và giá trị Cuốn sách của Tổng Bí thư

Nên nhớ, tham nhũng, tiêu cực là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở nhiều quốc gia, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Nguyên nhân là do quyền lực nhà nước bị thao túng, cán bộ, công chức suy thoái, biến chất gây ra: “tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”. Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, “tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng”. Ở Việt Nam, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Tất nhiên, chế độ một đảng lãnh đạo, cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, tình trạng thoái hóa, biến chất của cán bộ. Thực tế là, ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Brazil, Colombia, Malaysia... tình trạng tham nhũng đã xuất hiện ở chính các nguyên thủ quốc gia. Các quốc gia thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng” đều theo thể chế đa đảng, không do đảng cộng sản cầm quyền, lãnh đạo. Tổ chức Minh bạch quốc tế (AI) cho rằng, tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới; trong số đó, phần lớn là các quốc gia do giai cấp tư sản lãnh đạo, thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập.

Do vậy, việc RFA, VOA, Chân Trời Mới Media cũng như các thế lực thù địch trắng trợn xuyên tạc, rêu rao về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta và giá trị Cuốn sách của Tổng Bí thư là hoàn toàn sai với thực tế. Đó là sự quy chụp, suy diễn, bậy bạ, vô căn cứ. Âm mưu, thủ đoạn đê hèn của chúng là gây ra tình trạng hoang mang, dao động, nghi ngờ, lầm tưởng cho nhân dân rằng “tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo”, hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Thông qua đó, chúng âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, xã hội; gây tâm lý hoài nghi, dao động đối với nhân dân.

Thực tế cho thấy, ngay từ khi ra đời, Đảng, Nhà nước ta đã luôn nhận thức rõ tính nguy hiểm của tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất đối với cán bộ, đảng viên. Đảng, Nhà nước ta luôn kiên quyết, kiên trì, loại bỏ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ra khỏi đời sống xã hội. Minh chứng rõ nhất là các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” được thể hiện rõ trong báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Những con số biết nói “đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng”. Do vậy, những luận điệu cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái của cán bộ trong Đảng, Nhà nước ta là phổ biến, là “căn bệnh kinh niên, nan y không thể chữa trị của chế độ độc đảng cầm quyền” hay đó là cuộc “đấu tranh, thanh trừng nội bộ giữa các phe phái”… là hoàn toàn sai trái, phản động. Đó là những luận điểm cố tình bôi đen, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất, ý nghĩa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta; vin cớ để can thiệp vào công việc nội bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ ta.

Quyết tâm của Tổng Bí thư “phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thể hiện trong Cuốn sách về sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, không khoan nhượng trong cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải ngẫu nhiên lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các chính khách, học giả, đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước. Rõ ràng, “đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”; mà hạt nhân của sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tổng Bí thư là tính nhân văn trong kỷ luật Đảng.

Cuốn sách ra đời và được đón nhận nồng nhiệt không chỉ là “một minh chứng thể hiện sự nhất quán, kiên định, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam, của người đứng đầu Đảng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh nói chung, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng cùng những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng hiệu quả”. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải nêu gương rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ấy vậy mà, các phần tử bất mãn, phản động còn trắng trợn rêu rao “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức” và cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam “không thể thành công nếu không thay đổi thể chế chính trị, chấp nhận đa nguyên, đa đảng”... Tất cả chỉ là chiêu trò thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, hướng đến đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong Cuốn sách cũng là những trăn trở, tâm huyết, quyết tâm của Tổng Bí thư-Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Tổng Bí thư chỉ ra, cần gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải chú trọng nêu gương trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Một sự thật hiển nhiên là sự trăn trở, tâm huyết và quyết tâm của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Cuốn sách đã tạo nên sự hấp dẫn, đón nhận của bạn đọc trong nước và quốc tế. Sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội của Cuốn sách là thực tiễn đã được kiểm chứng, không phải bàn cãi. Đồng thời, mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm “làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”; càng không phải là sự dàn xếp, tranh giành quyền lực hay thanh trừng phe phái trong Đảng. Nhà báo Hàn Quốc Jung Rina từng khẳng định: “Tôi đã xem nhiều bài viết và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng, tôi thấy ông đưa vào nhiều yếu tố đạo đức và đạo lý, ông cho biết chống tham nhũng không chỉ là tiêu trừ một quốc nạn mà còn có ý nghĩa giáo dục xã hội, giáo dục con người. Điều này là rất đúng với một xã hội Á Đông vốn coi trọng đạo đức, coi đạo đức là cái gốc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Chính qua việc đề cao đạo đức, đạo lý, nhấn mạnh đến việc giáo dục con người thanh liêm mà nhằm được vào cái gốc của vấn đề, phòng ngừa được hành vi tiêu cực”. Hay Trang tin Times of India, ngày 09/7/2022 của Ấn Độ đánh giá “Chống tham nhũng là vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy rõ công cuộc chống tham nhũng cần là một tiến trình không ngừng nghỉ và là một yếu tố quan trọng để ứng phó với những thách thức trong giai đoạn tới. Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia khác có thể noi theo khi tham nhũng là vấn nạn phổ biến trên toàn cầu”.

Như một tất yếu khách quan, giá trị khoa học của Cuốn sách là không thể phủ nhận. Những tư tưởng cốt lõi, những trăn trở, tâm huyết, những bài học kinh nghiệm thể hiện trong Cuốn sách không chỉ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, mà còn cho thấy quyết tâm của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, cho thấy quyết tâm của Đảng ta về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết, bằng lương tri và danh dự, sự công tâm và khách quan, chúng ta kiên quyết khẳng định: “thành quả chống tham nhũng những năm qua ở Việt Nam là đáng để tự hào”./.

Đinh Quang Mạnh – Chi bộ Phòng KB

 

 



Các tin liên quan:
  Đảng ủy TKV khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Học và làm theo Bác”
  BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TẠI CHI BỘ PHÂN XƯỞNG TUYỂN THAN 2
  Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
  Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
  BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ - KẾT HỢP VỚI GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ VÀ KIỂM TRA GIÁM SÁT TẠI CHI BỘ PHÂN XƯỞNG Ô TÔ
  Chung tay bảo vệ nền tư tưởng của Đảng. Đấu tranh, phản bác các luận điểm sái trái, xuyên tạc của thù địch trên các phương tiện truyền thông Internet
  KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
  Khẳng định vai trò lực lượng nòng cốt, tiên phong, gương mẫu trong mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, cách làm hay từ Chi bộ Phân xưởng Giám định
  Xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa tại Đảng bộ Công ty Tuyển than Cửa Ông-TKV
  ĐẨY MẠNH GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG “KỶ LUẬT VÀ ĐỒNG TÂM” ĐỂ NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI CÁC BIỂU HIỆN “LỆCH CHUẨN” TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TRONG ĐỘI NGŨ CÔNG NHÂN
  Khẳng định vai trò lực lượng nòng cốt, tiên phong, gương mẫu trong mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, cách làm hay từ Chi bộ
  Xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa tại Đảng bộ Công ty Tuyển than Cửa Ông
  ĐẨY MẠNH GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG “KỶ LUẬT VÀ ĐỒNG TÂM” ĐỂ NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI CÁC BIỂU HIỆN “LỆCH CHUẨN” TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TRONG ĐỘI NGŨ CÔNG NHÂN
  Đồng thuận – Hướng tương lai
  Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đầu tiên của Vùng mỏ
  TỰ HÀO HÀNH TRÌNH 100 NĂM NHÀ SÀNG CỬA ÔNG
  Kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng Hội cựu chiến binh Công ty Tuyển than Cửa Ông vững mạnh
  MỘT SỐ KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA ĐẢNG BỘ CÔNG TY TUYỂN THAN CỬA ÔNG - TKV
  CHI BỘ PHÂN XƯỞNG TUYỂN THAN 3-QUYẾT TÂM THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC KIỂM TRA – GIÁM SÁT
  Phát huy vai trò kiểm tra, giám giát công tác phòng chống tham nhũng tại Chi bộ Phòng KB
  NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN
  Chi bộ PX Lọc – Sấy than với Công tác kiểm tra, giám sát Đảng viên
  CHI BỘ KHỐI KỸ THUẬT:“TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CẤP ỦY ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ỨNG DỤNG CGH-THH-TĐH VÀO SẢN XUẤT”
  Mô hình dân vận khéo: Mở ra thành công trong công tác tổ chức và phát triển Văn hóa - Thể thao tại Đảng bộ Công ty Tuyển than Cửa Ông
  Chi bộ Phòng Vật tư: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng

CÔNG TY TUYỂN THAN CỬA ÔNG
Địa chỉ: Phường Cửa Ông - Thành phố Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại:02033 865.043 - Fax: 02033 865.656 / Copyright © CUA ONG