Chủ động tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống cháy nổ sau bão số 3 YAGI & trong mùa hanh khô
Ảnh hưởng sau bão số 3 YAGI là rất lớn đối với các khu vực sản xuất, hạ tầng kỹ thuật công nghiệp và đặc biệt là diện tích đã trồng cây phủ xanh và cải tạo phục hồi môi trường (CTPHMT) tại các đơn vị thành viên của TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, khu vực miền Bắc thời tiết đã chuyển sang mùa hanh khô gây nguy cơ cao về cháy nổ tại các mặt bằng công nghiệp, khu vực kho tàng, sản xuất nhất là đối với các khu vực trồng cây CTPHMT bị gãy đổ có thân cây, cành nằm đan xen chồng lấn cùng các lớp thực bì trong điều kiện hanh khô tiềm ấn nhiều nguy cơ cháy lớn; trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những ngày vừa qua đã xảy ra cháy rừng tại một số khu vực thuộc thành phố Hạ Long & Cấm Phả.
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ các vị trí, khu vực sản xuất, các mặt bằng công nghiệp, kho tàng và các khu vực đã trồng cây CTPHMT, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai tới các đơn vị cần chủ động tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống cháy nổ.
Theo đó, các đơn vị chủ động tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống cháy nổ trong mùa hanh khô, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; dự báo nguy cơ, phát hiện sớm và thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác khi có cháy nổ xảy ra, để nhanh chóng huy động lực lượng và phối hợp chữa cháy kịp thời; đồng thời rà soát thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo liên quan của Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương và TKV về công tác phòng chống cháy nổ và công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong thời gian vừa qua;
Tập trung tổng rà soát các phương án phòng chống cháy nổ đã được phê duyệt, kiểm soát chặt chẽ các khu vực, vị trí có nguy cơ cháy nổ cao (các kho vật tư, xăng dầu, nhà xưởng sản xuất..), đặc biệt các vị trí, khu vực đã trồng cây CTPHMT hiện đang quản lý; tổ chức trực ban phân công lực lượng ứng trực theo quy định tại khu vực có cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên;
Cùng với đó, các đơn vị cần triển khai thực hiện một số biện pháp cụ thể:
Khẩn trương tổ chức thu dọn lớp thực bì, cỏ khô, cây cối gãy đổ sau cơn bão số 3 tại các diện tích đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, khu vực rừng đã được đền bù giải phóng mặt bằng, rừng được giao quản lý...các vị trí, khu vực có đường điện đi qua vườn, rừng nằm sát các khai trường sản xuất; đồng thời kiểm tra, phát dọn, củng cố hoàn thiện, thi công mới các tuyến đường băng cản lửa, đường phục vụ công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn... tuân thủ đúng quy định và phù hợp với các điều kiện thực tế hiện trường; không sử dụng lửa để đốt các vật dễ cháy gần các khu vực đồi, rừng hoặc gần khu vực nhà dân, cơ sở sản xuất.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các nguy cơ; phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn các hành vi của người dân có thể gây nguy cơ cháy rừng; không để người dân, người không có nhiệm vụ xâm phạm ranh giới diện tích cây trồng được giao quản lý, tổ chức canh gác tại các vị trí, khu vực có nguy cơ cao và gần các khu dân cư, đô thị như khu vực bãi thải Chính Bắc, Nam Lộ Phong, Nam Đèo Nai, Đông Cao Sơn (khu vực Quảng Ninh), một số diện tích đã trồng cây CTPHMT khu vực Thái Nguyên, Lào Cai.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra, rà soát tổng thể phương án phòng chống cháy nổ nhằm phát hiện, điều chỉnh các giải pháp, biện pháp kịp thời trong thực tế và các khu vực đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan, phù hợp với điều kiện thực tiễn; quan tâm công tác PCCC các khu nhà điều hành, nhà tập thể của CBCNV đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa hành khô; cùng với đó, kiểm tra rà soát thực hiện nghiêm theo quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy giữa các đơn vị quản lý đất có ranh giới đã trồng cây giáp ranh, đan xen nhau (nếu có); và giữa các đơn vị quản lý đất với Công ty Môi trường (đơn vị được giao quản lý trồng và chăm sóc cây); song song đó, tiến hành rà soát, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, duy trì ổn định hệ thống truyền tải, cung cấp điện liên tục phục vụ sản xuất; Duy trì theo dõi chặt chẽ dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy và cháy rừng tại các vùng, khu vực sản xuất có nguy cơ cao, nhằm tổ chức các phương án phòng ngừa, ứng phó kịp thời, chính xác và phù hợp; khi xảy ra cháy phải báo cáo đầy đủ, kịp thời bằng điện thoại và văn bản về Tập đoàn theo quy định để phối hợp xử lý.
CTV Vũ Hằng
|