Đảm bảo công tác AT-VSTP tại các nhà ăn trong Công ty (Nguyễn Huê)
Căn cứ Thông tư số 15/2012/TT-BYT, ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế Quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Căn cứ Thông tư số 30/2012/TT-BYT, ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế Quy định về điều kiện vệ sinh ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác AT-VSTP tại các nhà ăn tập thể trong toàn Công ty. Giám đốc Công ty yêu cầu các bộ phận thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các nhà ăn theo nội dung như sau:
1. Đối với cơ sở vật chất của các nhà ăn:
- Có đủ diện tích để bố trí các khu vực của dây chuyền sản xuất thực phẩm và thuận tiện cho việc vận chuyển thực phẩm.
- Khu vực sản xuất không bị ngập nước, đọng nước, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại.
- Nơi chế biến thức ăn phải được thiết kế theo nguyên tắc một chiều.
- Các khu vực kho nguyên liệu, khu vực sản xuất, sơ chế, chế biến, khu vực vệ sinh, khu thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan phải được thiết kế tách biệt.
- Hệ thống chiếu sáng bảo đảm theo quy định.
- Có đủ nước sạch để sản xuất thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ và vệ sinh cơ sở.
- Có phòng thay trang phục bảo hộ lao động trước và sau khi làm việc.
- Có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải và bảo đảm phải kín, có nắp đậy, chất thải, rác thải phải được thu dọn, xử lý hàng ngày theo quy định, nước thải được thu gom trong hệ thống kín, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
2. Đối với các dụng cụ chế biến:
- Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải có đủ và phù hợp để xử lý, chế biến nguyên liệu, được chế tạo bằng vật liệu không độc, ít bị mài mòn, không bị han gỉ, không thôi nhiễm các chất độc hại vào thực phẩm, không gây mùi lạ hay làm biến đổi thực phẩm và dễ làm vệ sinh.
- Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến. Có đủ dụng cụ chia, gắp, chứa đựng thức ăn, bảo đảm sạch sẽ, thực hiện chế độ vệ sinh hàng ngày. Trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn.
- Có đủ các thiết bị rửa tay, khử trùng tay khi sơ chế và chế biến thực phẩm.
- Thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại phải được làm bằng các vật liệu không gỉ, dễ tháo rời để làm vệ sinh, thiết kế phù hợp; Không sử dụng thuốc, động vật để diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất thực phẩm.
3. Đối với khu vực ăn uống:
- Phải thoáng mát, có đủ bàn ghế và thường xuyên phải bảo đảm sạch sẽ.
- Có đủ sổ sách ghi chép thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong.
4. Đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm:
- Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
- Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được khám sức khoẻ và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế.
- Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải mặc trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng tay chuyên dùng, đeo khẩu trang, để móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồng hồ. Không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm.
5. Đối với nguyên liệu thực phẩm và bảo quản thực phẩm:
- Bao bì thực phẩm phải bảo đảm chắc chắn, an toàn. Thực phẩm đóng gói, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và được phép sử dụng theo quy định.
- Khu vực chứa đựng, kho bảo quản thực phẩm phải có đầy đủ biển tên. Có đủ giá, kệ bảo quản làm bằng các vật liệu chắc chắn, hợp vệ sinh, bảo đảm đủ ánh sáng và che chắn an toàn.
- Nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 20cm, cách tường tối thiểu 30cm và cách trần tối thiểu 50cm.
6. Đối với bếp ga và các thiết bị điện:
- Thực hiện đầy đủ quy trình, quy phạm đã được ban hành.
- Bảo dưỡng định kỳ và thường xuyên kiểm tra trước khi sử dụng.
Đề nghị các Thủ trưởng đơn vị triển khai phổ biến đến CBCNV đơn vị, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phản ánh bằng văn bản về Công ty (Phòng TCLĐ) để tổng hợp, báo cáo trình Giám đốc Công ty xem xét, giải quyết.
|