Trang chủ > Tin tức sự kiện > VĂN HÓA THỂ THAO

Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 (1936 - 2016)

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 (1936 - 2016)

Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ Mỏ Tháng 11/1936 giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những Sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ do Đảng ta lãnh đạo (1936 - 1939). Tầm vóc, ý nghĩa và ảnh hưởng của thắng lợi từ cuộc Tổng bãi công này là rất to lớn và sâu sắc, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ Vùng Mỏ. Qua cuộc đấu tranh anh dũng này, đội ngũ công nhân mỏ than và nhân dân lao động Quảng Ninh đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình. Tiêu biểu là truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng. Truyền thống tốt đẹp ấy làm phong phú thêm truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 06/11/1961 Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng đã ra Nghị quyết số 31-NQ/KU V/v “Tổ chức kỷ niệm Ngày 12/11, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân Vùng mỏ”. Ban Thường vụ Khu ủy đã quyết định: Từ năm 1961 trở đi, toàn Khu Mỏ sẽ lấy ngày 12/11 hàng năm để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày Hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân Khu Mỏ. Từ năm 1994, khi Tổng Công ty Than Việt Nam ra đời, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam như hiện nay, để phù hợp với giai đoạn cách mạng mới, Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bộ Công nghiệp rồi Bộ Công thương và Tập đoàn TKV đã thống nhất lấy Ngày 12/11 hàng năm là Ngày truyền thống Công nhân Vùng Mỏ - Truyền thống Ngành Than.

TÌNH HÌNH KHU MỎ QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN TỔNG KHỦNG HOẢNG 1929-1933 CỦA THẾ GIỚI TƯ BẢN

1. Tình hình sản xuất than

Từ năm 1929, thế giới tư bản bước vào một cuộc khủng hoảng mới, toàn diện và trầm trọng nhất từ trước đến lúc đó, làm lung lay tận gốc rễ của chúng. Nước Pháp đế quốc chủ nghĩa cũng lâm vào tình trạng điêu đứng chung của thế giới tư bản, kéo theo luôn cả hệ thống thuộc địa của chúng vào tình trạng suy thoái đầu tiên.

Đối với nước ta, từ lâu Pháp đã biến thành thị trường độc chiếm của chúng, biến thành nơi cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa ế thừa. Vì vậy, khi nền kinh tế của chính quốc bị sụt giảm vì khủng hoảng (cũng như vì chiến tranh) thì xô đẩy luôn nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thảm cảnh ấy. Ngành khai thác than đá của tư bản Pháp ở khu mỏ Quảng Ninh cũng nằm trong hoàn cảnh chung đó.

Như đã nói, mục đích khai thác các loại mỏ ở Việt Nam nói chung, than đá ở khu mỏ Quảng Ninh nói riêng của thực dân Pháp là xuất cảng để vơ vét lợi nhuận. Than đá khai thác hầu như không được chế biến, số lượng dành cho việc tiêu thụ trong nội bộ Đông Dương với một tỷ lệ thấp, còn phần lớn, loại than tốt, được xuất cảng qua Pháp, Nhật; Trung Quốc, Mỹ, Canađa... khi thế giới tư bản lâm vào tổng khủng hoảng, nền công nghiệp bị đình đốn, thì các nước nhập cảng than Quảng Ninh trước đó buộc phải giảm hoặc đình chỉ việc nhập cảng. Chính quốc Pháp cũng không đủ khả năng tiêu thụ than vùng Quảng Ninh như những năm sản xuất bình thường. Như vậy một khối lượng lớn than xuất cảng, đến lúc này bị chặn lại, không có nơi tiêu thụ. Mặt khác, khi chính quốc lâm vào khủng hoảng, thì nền công nghiệp nhỏ bé của Đông Dương cũng không tránh khỏi sa sút, phải giảm mức sản xuất hoặc đình chỉ sản xuất một số ngành, một số xí nghiệp. Than Quảng Ninh dành cho việc tiêu thụ nội bộ Đông Dương vì thế cũng bị giảm xuống đáng kể. Tình hình đó đặt ra cho bọn chủ mỏ thực dân Pháp ở khu mỏ Quảng Ninh là phải gấp rút điều chỉnh kế hoạch sản xuất, giảm bớt mức sản xuất và chi phí sản xuất. Nhìn chung, trong suốt những năm khủng hoảng này, việc sản xuất than của Pháp ở khu mỏ Quảng Ninh ngày càng giảm xuống, mức sản xuất năm 1933 là thấp nhất trong thời gian đó.

Chưa bao giờ tình trạng cạnh tranh giữa các công ty mỏ ở đây lại trở lên gay go, khốc liệt như trong thời kỳ tổng khủng hoảng này. Các công ty độc quyền lớn như công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, công ty than Đông Triều với địa vị ưu thắng của nó về nguồn vốn, về tài nguyên, về sự đỡ đầu của ngân hàng Đông Dương và chính quyền thực dân Đông Dương... đã ra sức củng cố thế lực và tìm cách chiếm đoạt các công ty mỏ khác, yếu hơn, gặp khó khăn nhiều hơn. Trong khi đó, các công ty có quy mô và nguồn vốn nhỏ, lại sa sút nhanh chóng trong cuộc tổng khủng hoảng lần này, cũng đã nhìn thấy tham vọng của các công ty tư bản độc quyền, và tìm cách đối phó lại. Ngay từ đầu cuộc tổng khủng hoảng này, công ty than gầy Bắc Kỳ và công ty than Bế Bào đã thỏa thuận hợp nhất, thành lập ra một công ty mới là công ty mỏ than Đông Dương cùng với mỏ than Nho Quan (Ninh Bình) và công ty Quặng và kim khí Đông Dương nhằm tập trung nguồn vốn và thế lực, để vượt qua cuộc Tổng khủng hoảng trầm trọng. Song biện pháp đó không đạt được kết quả, không thể cứu vớt được hai công ty Kế bào và than gầy Bắc Kỳ khỏi vực thẳm.

Từ tháng 10/1930, khi cuộc tổng khủng hoảng đã diễn ra trầm trọng, công ty than gầy Bắc Kỳ buộc phải đình chỉ mọi việc mở mang kiến thiết. Đến năm sau, than của nó sản xuất ra hầu như không tiêu thụ được. Cuối năm này, than của nó ứ đọng trên bến là 80.000 tấn, Năm 1932, bọn chủ công ty này, trong tình trạng sản xuất này càng thua lỗ buộc phải đem tất cả tài sản cố định của nó gán cho ngân hàng Đông Dương dưới danh nghĩa cầm cố để vay vốn sản xuất. Nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ của nó vẫn cứ tiếp tục xuống dốc, không phương cứu chữa, không còn đủ khả năng chuộc lại những tài sản cố định đã cầm cố. Năm 1933, công ty này đã mất vào tay ngân hàng Đông Dương và cũng năm đó ngân hàng Đông Dương đã nhượng lại cho công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ toàn bộ tài sản của công ty than gầy Bắc Kỳ. Số phận của công ty than Kế Bào cũng không thoát khỏi con đường cùng đó, con đường tất nhiên sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh mất còn của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Trải qua cuộc tổng khủng hoảng 1929 - 1933, công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, công ty mỏ độc quyền lớn nhất Đông Dương đã mở rộng hơn thế lực của nó, chiếm đoạt thêm hai khu vực ở mỏ Mạo Khê và Kế Bào của hai công ty than gầy Bắc Kỳ và công ty than Kế Bào. Tuy đứng vững trong cuộc khủng hoảng kinh tế lần này, song công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ không phải là không chịu ảnh hưởng của cuộc tổng khủng hoảng kinh tế đó. Nhìn vào sản lượng than hằng năm giai đoạn 1929 -1933, thì thấy rằng mức sản xuất ngày càng sụt xuống, năm 1933 chỉ bằng 68% mức sản xuất của năm 1929. Như vậy ảnh hưởng của cuộc tổng khủng hoảng kinh tế đối với tình hình sản xuất của công ty  là rất lớn, khá trầm trọng.

Cuộc tổng khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1929 - 1933 đã có tác động lớn đến tình hình sản xuất và trật tự khai thác, quản lý khu mỏ Quảng Ninh của Pháp. Có những công ty, những mỏ riêng lẻ bị phá sản trong cuộc khủng hoảng, có những công ty vốn thế lực đã lớn lại càng lớn hẳn lên trong cuộc khủng hoảng này. Điều đó phản ảnh quy luật kinh tế không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản.

2. Tình hình chính trị

Tổng khủng hoảng về kinh tế bao giờ cũng đi đôi với tổng khủng hoảng về chính trị. Chính trị của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam nói chung, ở khu mỏ Quảng Ninh nói riêng là ra sức khủng bố, thẳng tay đàn áp mọi hoạt động yêu nước, mọi biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước dưới mọi hình thức, đồng thời tìm cách mua chuộc, dụ dỗ, phỉnh nịnh bọn tay sai và từng lớp trên của xã hội thời ấy để duy trì và củng cố ách thống trị của chúng. Trong những năm kinh tế khủng hoảng, làm ăn thua lỗ, số lợi nhuận thu được hằng năm giảm xuống, bọn chủ mỏ thực dân Pháp càng phơi bày hết tất cả chân tướng của nền chính trị phản động ấy, điên cuồng tấn công vào phong trào công nhân khu mỏ, đẩy xã hội khu mỏ vào một tình trạng căng thẳng chưa từng thấy.

Cũng như tình hình chính trị chung của nước ta từ sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng bị thất bại, bọn thực dân tăng cường khủng bố, đàn áp, ở khu mỏ Quảng Ninh chúng cũng ráo riết tiến hành chiến dịch khám xét, bắt bớ từ cuối năm 1929 trở đi. Mật thám, cảnh sát... bủa dăng khắp các lán trại của công nhân, các đường phố, bến xe, bến tàu, tầng lò... Không có ngày nào, giờ nào là không có người bị bắt, không có nhà bị khám. Nhà tù chật ních những người bị tình nghi. Những cuộc khủng bố, đàn áp diễn ra liên miên như vậy, khiến cho người thợ mỏ thường xuyên sống trong cảnh bị dò xét, bị theo dõi, tạo nên một bầu không khí luôn căng thẳng và nghẹt thở.

3. Đời sống của người thợ mỏ ngày càng thêm khốn đốn

Bình thường, đời sống của người thợ mỏ Quảng Ninh đã cùng cực, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Đến khi kinh tế khủng hoảng, bọn chủ mỏ thực dân lấy cớ sản xuất thua lỗ, than bán không chạy, tấn công mạnh mẽ hơn vào đời sống của người thợ mỏ, đẩy họ vào tình cảnh khốn quẫn hơn trước.

Để đối phó với kinh tế khủng hoảng, biện pháp cổ truyền của bọn chủ tư bản là thui hẹp phạm vi sản xuất, giảm chi phí sản xuất xuống mức tối đa, nghĩa là đuổi thợ và giảm tiền công thợ đồng loạt.

Nếu năm 1929, trước khi bước vào tổng khủng hoảng kinh tế, số thợ mỏ Đông Dương là 53.000 người, thì năm 1930, khi kinh tế tư bản bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, số thợ mỏ Đông Dương đã giảm xuống còn 45.700 người và năm 1932, số thợ mỏ còn có việc làm là 33.500 người. Như vậy, 19.500 thợ mỏ đã bị đuổi việc trong vòng ba năm khủng hoảng kinh tế. Riêng công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT), số lượng công nhân của nó năm 1929 là 23.200 người, đến tháng 3 năm 1931, giảm xuống chỉ còn 15.500 người. Như vậy, 7.700 thợ mỏ của công ty này đã bị đuổi khỏi Sở trong thời gian hơn một năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Trong lúc hàng loạt thợ mỏ bị đuổi mất việc, thì những người còn làm việc bị bọn chủ thúc bách phải làm việc cực nhọc hơn, với cường độ lớn hơn và thời gian làm việc dài hơn trước, song đồng lương của họ thì bị chúng kéo tụt xuống mức thấp nhất.

Bình thường, giá cả các tư liệu sinh hoạt của người thợ mỏ đã đắt đỏ hơn bên ngoài từ 10 đến 50%, có nơi còn cao hơn thế. Đến khi kinh tế khủng hoảng, bọn chủ hiệu bán lẻ, chủ hiệu cho vay, chủ nhà cho thuê... lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, càng tăng giá cả các tư liệu sinh hoạt này lên theo ý muốn của chúng. Ví thế, tiền lương danh nghĩa của người thợ mỏ đã giảm sút, tiền lương thực tế của họ lại càng giảm sút nhiều hơn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế so với trước đó.

Những người thợ mỏ mất việc làm, bản thân, cha mẹ, vợ con của họ phải bơ vơ nơi đầu đường, xó chợ, những người thợ còn việc làm, với đồng lương giảm sút đến mức tồi tệ ấy, cũng chỉ sống lay lắt, khốn đốn. Rõ ràng, hậu quả của tổng khủng hoảng kinh tế cuối cùng đã trút lên đầu người thợ, xô đẩy họ vào một tình trạng cùng cực chưa từng thấy.

Tình hình trên khiến cho người thợ mỏ không thể sống như cũ được nữa trong cái trật tự khắc nghiệt ấy, mà phải có một sự thay đổi, một sự vùng lên để giành lấy quyền sống. Chính trong điều kiện xã hội đó các chi bộ cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh đã ra đời./.

 

QUÁ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÙNG MỎ THỜI KỲ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cùng với quá trình đẩy mạnh khai thác thuộc địa của thực dân Pháp tại vùng mỏ Quảng Ninh, đội ngũ công nhân mỏ ra đời. Dù còn non trẻ, nhưng đội ngũ công nhân mỏ mang đầy đủ đặc điểm của giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới nên đã phát triển nhanh chóng, vững chắc với số lượng ngày càng đông đảo. Đại bộ phận công nhân mỏ xuất than từ nông dân, bị bần cùng hóa, sống trên khu vực “đất nhượng” chịu 2 tầng thống trị của thực dân, chủ mỏ.

Là những người có ý thức tổ chức kỷ luật cao, nhạy cảm với thời cuộc, được tác động bởi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đội ngũ công nhân mỏ đã sớm tham gia đấu tranh chống áp bức bóc lột của chủ mỏ. Vì chưa có một chính đảng cộng sản lãnh đạo, nên những cuộc đấu tranh của công nhân mới chỉ dừng ở mức tự phát, chủ yếu là đòi quyền lợi về vật chất.

Thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, từ tháng 9/1928, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã cử nhiều hội viên đi vào các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để hoạt động, tự rèn luyện và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin. Cuối năm 1928, chi bộ Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở vùng mỏ ra đời ở Cẩm Phả-Cửa Ông do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng, đó là: Chủ nghĩa Mác - Lênin đã bắt đầu kết hợp với phong trào đấu tranh của công nhân mỏ, đẩy phong trào tiến lên một bước mới. Chi bộ xuất bản báo Than để tuyên truyền vận động công nhân và tố cáo tội ác của kẻ thù. Trong năm 1929, nhiều nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ đã lần lượt thành lập được các chi bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng cả nước, từ tháng 6/1929 đến đầu tháng 01/1930, cả nước thành lập 3 tổ chức cộng sản gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ở miền Bắc, sau khi được thành lập, Đông Dương cộng sản Đảng đã cử cán bộ đi khắp nơi tuyên truyền, gây ảnh hưởng. Cuối tháng 7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ủy viên Trung ương Đông Dương cộng sản Đảng, đã cử đồng chí Đỗ Huy Liêm ra khu mỏ truyền đạt những chủ trương của Đảng là giải tán các chi bộ “Thanh niên”, thành lập các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cuối tháng 2/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ được thành lập ở Mạo Khê. Từ tháng 2 đến tháng 4/1930, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí, Vàng Danh lần lượt được ra đời. Tháng 10-1930, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả trực thuộc Trung ương. Đảng bộ Đặc khu ra đời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của lịch sử và sự vận động của phong trào công nhân, tạo ra bước nhảy vọt trong đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở vùng mỏ Đông Bắc của Tổ Quốc.

Từ tháng 3 tới tháng 10/1930, ở các khu mỏ có trên 20 cuộc đấu tranh thu hút đông đảo công nhân tham gia, mà mở đầu và tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà sàng Cửa Ông nổ ra ngày 8/4/1930. Trong phong trào đấu tranh cách mạng năm 1930 - 1931, đội ngũ công nhân mỏ đã thể hiện ý chí kiên cường và khí tiết bất khuất anh hùng của những người cộng sản; là cuộc thử lửa đầu tiên trong trận chiến đấu quyết liệt một mất một còn giữa những người công nhân mỏ với thực dân Pháp và bọn chủ mỏ.

Tháng 5/1936, Mặt trận nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và thành lập chính phủ mới, trước sức ép Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng  Pháp, chính phủ Pháp phải thực hiện một số nhân nhượng: trả lại tự do cho tất cả tù chính trị, thành lập ủy ban điều tra tình hình các thuộc địa, thi hành một số cải cách xã hội. Từ tháng 7 đến tháng 11/1936, nhiều chiến sĩ cộng sản thoát khỏi nhà tù đế quốc đã trở về khu Mỏ, bắt liên lạc với những đảng viên và quần chúng cách mạng, gây dựng phong trào. Được sự hỗ trợ của phong trào cách mạng cả nước, công nhân vùng Mỏ đã sớm nổi dậy với khí thế sôi sục, tấn công bọn thực dân chủ mỏ. Hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân mỏ nổ ra liên tiếp với quy mô lớn, có sự hiệp đồng chặt chẽ, lôi cuốn nhiều tầng lớp tham gia.

Đêm ngày 12/11/1936, cuộc bãi công của đông đảo công nhân mỏ Cẩm Phả - mở đầu cho cuộc Tổng bãi công vùng Mỏ, làm cho kẻ thù hết sức bất ngờ và hoảng sợ. Mặc dù thực dân Pháp, bọn chủ mỏ và tay sai tiến hành nhiều thủ đoạn thâm độc như mua chuộc, đe dọa, khủng bố, nhưng cuộc bãi công của công nhân và nhân dân lao động Cẩm Phả cuối cùng đã giành thắng lợi to lớn, bọn chủ mỏ phải chấp nhận những yêu sách của công nhân. Thắng lợi của công nhân mỏ Cẩm Phả là động lực làm dấy lên phong trào đấu tranh của công nhân toàn khu mỏ hết sức sôi động rộng khắp, mạnh mẽ, quyết liệt, trở thành cuộc tổng bãi công, liên tục tiến công bọn thực dân, chủ mỏ... từ Mông Dương, Hòn Gai, Hà Lầm, Hà Tu đến Cửa Ông, Cái Đá, Kế Bào, qua Hạ Long, Yên Lập... Chiều ngày 28/11/1936 bọn thực dân chủ mỏ Pháp buộc phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Tối ngày 28/11/1936, ở Mông Dương, Đồng Đăng, công nhân cũng giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh với chủ mỏ. Ở Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê, công nhân ráo riết chuẩn bị bãi công, bọn chủ mỏ hoảng sợ vội vã tăng 10% lương cho tất cả công nhân.

Cuộc tổng bãi công của 3 vạn công nhân vùng Mỏ tháng 11/1936 đã kết thúc thắng lợi, làm chấn động dư luận cả nước, là cuộc đấu tranh quan trọng nhất, thắng lợi rực rỡ nhất, nhiều người tham gia nhất, có tiếng vang xa nhất trong phong trào công nhân Việt Nam những năm 1936 - 1939. Cuộc tổng bãi công là đòn chí mạng làm rung chuyển, gây choáng váng cho bộ máy thống trị thực dân Pháp và chủ mỏ Đông Dương. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công năm 1936 đã mang lại bài học to lớn về tập hợp lực lượng công nhân, về tính kỷ luật, đồng tâm trong đấu tranh, về sự đùm bọc, tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp. Thắng lợi đó đã góp phần quan trọng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

Sau năm 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy khí thế cách mạng của Cao trào 1936-1939, giai cấp công nhân vùng Mỏ đã cùng với nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vượt lên nhiều khó khăn, vất vả, hi sinh, giai cấp công nhân vùng Mỏ vừa kiên cường chiến đấu, vừa đẩy mạnh các hoạt động phá hoại kinh tế của địch; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tổ chức công đoàn, phát triển lực lượng du kích, tự vệ trong công nhân, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 24/5/1955, Vùng Mỏ hoàn toàn giải phóng, công nhân mỏ vĩnh viễn thoát khỏi cuộc đời nô lệ, vươn lên tự mình làm chủ vận mệnh của mình.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, với khẩu hiệu “Trận địa là nhà, vùng Mỏ là quê hương”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, công nhân Vùng Mỏ Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất”; các chiến dịch “Sản xuất than chống Mỹ, cứu nước”, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của miền Bắc, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù vẫn vững tay chòong, chắc tay súng, vừa sản xuất, vừa đánh trả quân xâm lược, nhiều công nhân đã gia nhập “Binh đoàn Than”, tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, của Quảng Ninh và ngành Than.

Từ sau thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân vùng Mỏ và ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ đi cha anh, đem hết tâm sức, trí tuệ, đẩy mạnh lao động sản xuất phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.

Năm 1994, khi Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) được thành lập, ngành Than - Khoáng sản liên tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đang trở thành Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước. Với đội ngũ hơn 13 vạn công nhân, viên chức, người lao động ngày càng giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động không ngừng cải thiện và nâng cao.

Trải qua 80 năm đã qua, nhưng truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” vẫn vẹn nguyên giá trị. Mối quan hệ gắn bó giữa ngành Than và tỉnh Quảng Ninh không ngừng được vun đắp, xây dựng, phát triển, "Ngành than với tỉnh Quảng Ninh là một", góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu sản xuất, kinh doanh, giữ vững vị thế là Tập đoàn kinh tế mạnh, có thương hiệu và uy tín cao trong nước và quốc tế, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA NGÀNH THAN GIAI ĐOẠN 1994 – 2016  VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỜI GIAN TỚI

1. Thành tựu nổi bật giai đoạn 1994-2016

Trong 40 năm từ năm 1955 đến 1994 (trước khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam - TVN) sản lượng than thương phẩm chỉ đạt khoảng 6 triệu tấn. Từ năm 1995 sau khi TVN đi vào hoạt động, sản lượng than ngày càng tăng cao. Năm 1997 đạt 11,3 triệu tấn, đánh dấu lần đầu tiên ngành than Việt Nam vượt mốc 10 triệu tấn là mức sản lượng Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra cho năm 2000; Năm 2005 đạt 31,3 triệu tấn, vượt xa mục tiêu sản lượng mà Quy hoạch phát triển ngành than đề ra cho năm 2020 và đến năm 2007 đạt 42,2 triệu tấn, vượt mốc 40 triệu tấn. Từ sau năm 2007 đến nay sản lượng than luôn đạt trên 40 triệu tấn, riêng năm 2011 đạt mức cao nhất lên đến 45 triệu tấn. Doanh thu toàn Tập đoàn 71.460 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm.

Như vậy, so với năm 1994 sản lượng than hiện nay đã tăng gấp hơn 7 lần. Đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao: Năm 1994: 4,0 triệu tấn; đến 2000: 8,4 triệu tấn và 2015: 34,4 triệu tấn (gấp gần 8,5 lần năm 1994). Tổng doanh thu than từ gần 1,3 ngàn tỉ đồng năm 1994 lên 56,6 ngàn tỉ đồng (tăng 43,5 lần).

Thời gian qua Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án nhiệt điện than. Đến năm 2013 tổng công suất của các nhà máy nhiệt điện than TKV đã đi vào hoạt động là 1,55 ngàn MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ đã tăng từ 720 triệu kWh năm 2006 lên 8.700 triệu kWh năm 2015 (tăng 12 lần và chiếm khoảng 7,3% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước), nhờ đó doanh thu đã tăng tương ứng từ 450 tỉ đồng lên hơn 11,9 ngàn tỉ đồng (tăng 21 lần).

Sản xuất và cung ứng Vật liệu nổ công nghiệp liên tục tăng và trở thành một trong những ngành có doanh thu tương đối lớn và hiệu quả cao. Từ năm 2006 đến 2015 sản lượng sản xuất tăng từ 39 lên 82,4 ngàn tấn (tăng gần 1,8 lần).

Về ngành cơ khí: đã hợp tác sản xuất và lắp ráp các loại xe ô tô trọng tải 15-35 tấn; chế tạo các loại tàu thủy trọng tải từ 4.00012.500 tấn, máy biến áp 110 kV,…và các thiết bị, phụ tùng khác phục vụ sản xuất than, khoáng sản, điện lực, sửa chữa và phục hồi các thiết bị phục vụ cho khai thác mỏ và các lĩnh vực SXKD khác với tổng doanh thu tăng từ hơn 1 ngàn tỉ đ năm 2006 lên 3.151 tỉ đ năm 2013 (tăng hơn 3 lần)…

Từ 1995 đến 2005 tổng doanh thu của TVN đã tăng từ 2,45 ngàn tỷ đồng lên 22,8 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 9 lần) và từ 2006 đến 2015 tổng doanh thu toàn Tập đoàn TKV tăng từ 29,7 ngàn tỉ đồng lên 105,5 ngàn tỉ đồng (tăng gần 3,5 lần). Trong đó doanh thu các ngành ngoài than - khoáng sản đã tăng từ 9,28 ngàn tỉ đồng lên 43,315 ngàn tỉ đồng (tăng gần 4,7 lần), nhờ đó đưa tỉ trọng doanh thu các ngành ngoài than - khoáng sản tăng từ 33,6% lên 42,1%, tạo ra sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu kinh doanh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Giá trị tổng tài sản của toàn Tập đoàn tăng từ 21,5 ngàn tỉ đồng năm 2006 lên gần 140 ngàn tỉ đồng năm 2013 (tăng 6,5 lần). Đặc biệt, vốn chủ sở hữu của TVN từ năm 1995 đến 2005 đã tăng từ 899 tỷ đồng lên 5.546 tỷ đồng và của Tập đoàn TKV từ năm 2006 đến 2013 đã tăng từ 7.774 tỉ đồng lên 35.227 tỉ đồng (tăng 4,53 lần).

Nộp NSNN của TVN đã tăng từ 120 tỷ đồng năm 1995 lên 1407 tỷ đồng năm 2005 và của toàn Tập đoàn TKV tăng cao từ 2006 đến 2011, cụ thể là: Năm 2006: 1.588; năm 2011: 16.150 tỷ đồng. Như vậy, so với 2006 nộp NSNN năm 2011 tăng gần 10,2 lần. Các năm 2012 và 2013 do tác động của suy giảm kinh tế trong nước và thế giới nên nộp NSNN bị giảm những vẫn ở mức cao, tương ứng là 13.880 và 12.769 tỉ đồng. Năm 2015 nộp gần 13.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, thời gian qua để góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát nên giá than trong nước được khống chế thấp hơn giá thị trường, riêng giá than cho các hộ trọng điểm (điện, phân bón, giấy, xi măng) còn thấp hơn giá thành. Hàng năm TKV bù chéo cho các hộ trong nước qua giá bán than như sau: năm 2006 bù chéo cho than bán vào các hộ điện, xi măng, giấy và phân bón khoảng 1.200 tỷ đồng, năm 2007 khoảng 1.350 tỷ đồng, năm 2008 khoảng 2.500 tỉ đồng; năm 2009 bù cho riêng ngành điện khoảng 1.400 tỉ đồng; năm 2010 khoảng 3.100 tỷ đồng và năm 2011 bù khoảng 5.000 tỉ đồng.

Tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp khoáng sản theo chiều rộng lẫn chiều sâu theo hướng tăng cường chế biến sâu, nhờ đó tạo ra sự phát triển đột biến, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của ngành. Từ chỗ trước đây chủ yếu khai thác và sản xuất quặng tinh, phần lớn để xuất khẩu đã đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khoáng sản, luyện kim như nhà máy luyện đồng (Lào Cai); nhà máy điện phân chì kẽm (Thái Nguyên), nhà máy chế biến alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và các Dự án sản xuất gang thép, vàng, bạc, luyện kim khác,…

Tập đoàn TKV cùng các đơn vị thành viên luôn tham gia và thực hiện các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội biển đảo, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em, người tàn tật, công tác từ thiện… Đặc biệt luôn quan tâm thực hiện công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu và là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thành lập quỹ môi trường, nhờ đó môi trường vùng mỏ, an toàn lao động và phòng chống thiên tai trong quá trình sản xuất kinh doanh không ngừng được cải thiện đáng kể theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển. Tập đoàn TKV đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng năm 1996 và Anh hùng Lao động năm 2005; nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

2. Định hướng phát triển trong thời gian tới

Tập đoàn TKV luôn xác định: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”; đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển bền vững; giữ vững vai trò tập đoàn kinh tế mạnh, là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với mục tiêu là:

"Xây dựng và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Giàu mạnh -  Thân thiện - Hài hòa”.

 Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than, được sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn Tập đoàn, phấn khởi và tự hào về chặng đường 80 năm vẻ vang của người Thợ Mỏ - Ngành Than Khoáng sản, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và giành nhiều thắng lợi mới, xứng đáng với Huân chương Sao vàng và danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng./.

 



Các tin liên quan:
  Khai mạc giải Cầu lông, bóng bàn phong trào CNVC năm 2024
  Gặp mặt Đội bóng đá nữ Than Khoáng Sản Việt Nam nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024
  Giải bóng đá Nữ VĐQG - Cúp Thái Sơn Bắc 2023: Than Khoáng sản Việt Nam giành ngôi Á quân
  Thành tích của Đội tuyển Công ty Tuyển than Cửa Ông tại giải quần vợt phong trào TKV năm 2023
  Thắng TP Hồ Chí Minh II: Than Khoáng sản Việt Nam bám sát ngôi đầu bảng xếp hạng Lượt đi Giải bóng đá nữ VĐQG - cúp Thái Sơn Bắc 2023
  Đội bóng đá nữ Than - Khoáng Sản Việt Nam giành chiến thắng quan trọng trước Hà Nội I
  Đội nữ Than Khoáng sản Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng Giải Bóng đá nữ VĐQG - cúp Thái Sơn Bắc 2023
  Đội bóng đá nữ Than - Khoáng sản Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng Giải Bóng đá nữ Vô địch Quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc 2023
  Vòng 1 Giải nữ VĐQG - Cúp Thái Sơn Bắc 2023: Than KSVN đại thắng trong ngày ra quân
  Gặp mặt, động viên đội bóng đá nữ Than - Khoáng sản Việt Nam trước khi tham dự Giải bóng đá nữ vô địch Quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc năm 2023
  Cụm số 2 - TP Cẩm Phả: Tưng bừng Ngày Hội Văn hóa thể thao CNVCLĐ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI năm 2023
  Văn hóa thể thao - Chìa khóa gắn kết, nâng cao chất lượng đời sống người lao động tại Công ty Tuyển than Cửa Ông
  VĐV bóng đá nữ TKV hưởng ứng “Ngày thứ bảy xanh” với hoạt động chăm sóc bảo vệ môi trường - Phan Thủy
  Tuyển chọn VĐV năng khiếu, đào tạo, bổ sung lực lượng cho Đội bóng đá nữ Than Khoáng sản Việt Nam - Phan Thủy
  Thành tích ấn tượng của Đội bóng bàn Công ty Tuyển than Cửa Ông tại Giải phong trào TKV năm 2023
  Tuyển chọn và thanh loại cầu thủ tuyến 2, tuyến 3: Quá trình chuẩn bị lực lượng chất lượng cao cho Đội bóng đá nữ Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)
  Kết quả hoạt động của đội Bóng đá Nữ TKV quý I năm 2023 (Hoài Thương)
  Sôi nổi Giải cầu lông, bóng bàn phong trào CNVC Công ty Tuyển than Cửa Ông năm 2023
  Lãnh đạo Công ty Tuyển than Cửa Ông gặp mặt, chúc mừng CBCNV Trung tâm TTVH nhân ngày Thể thao Việt Nam 27/3
  Than Khoáng sản Việt Nam đăng quang ngôi Vô địch Giải Bóng đá nữ Cúp Quốc Gia 2023
  Đánh bại Phong phú Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam thẳng tiến vào Chung kết Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia 2023
  Thắng áp đảo Tp. Hồ Chí Minh, Than Khoáng sản Việt Nam xuất sắc có được tấm vé vào Bán kết Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia 2023
  Đội nữ Than Khoáng sản Việt Nam khẩn trương tập luyện chuẩn bị cho Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia năm 2023
  Đội bóng đá nữ Than Khoáng sản Việt Nam hội quân sau Tết Nguyên đán 2023
  Đại hội Thể thao toàn quốc 2022: Đội Quảng Ninh giành Huy chương Vàng bóng đá nữ (Phan Thủy - TTVH)
  Đội Quảng Ninh giành Huy chương Vàng bóng đá nữ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX
  Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX: Đội bóng đá nữ Quảng Ninh xuất sắc giành chiến thắng trước Hà Nội

CÔNG TY TUYỂN THAN CỬA ÔNG
Địa chỉ: Phường Cửa Ông - Thành phố Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại:02033 865.043 - Fax: 02033 865.656 / Copyright © CUA ONG